Chính quyền Thạch Hổ Hậu Triệu

Nền cai trị tàn bạo

Năm 333, Hậu Triệu Minh đế Thạch Lặc chết, thái tử Thạch Hoằng lên ngôi. Em Thạch Lặc là Trung Sơn vương Thạch Hổ (295–349) vốn cho rằng ngôi báu được truyền cho mình, nên khi thấy Hoằng lên ngôi bèn nắm lấy quyền hành, khống chế Hoằng. Hổ buộc Thạch Hoằng phong cho mình tước Ngụy vương, giết chết các mưu sĩ người Hán của Thạch Lặc là Trình Hà, Từ Quang.

Các con của Lặc là Thạch Sinh, Thạch Lãng, Thạch Khôi lần lượt khởi binh chống lại Hổ nhưng không phải là đối thủ của Hổ nên lần lượt bị thất bại và bị giết. Tháng 9 năm 334, Hổ phế truất Thạch Hoằng làm Hải Dương vương, tự lập lên ngôi vua, tức là Hậu Triệu Vũ Đế, dời đô về đất Nghiệp[9].

Thạch Hổ sống xa hoa, tuyển hàng vạn cung nữ; xây cất cung thất liên miên ở cả Tương Quốc lẫn Nghiệp Thành. Thạch Hổ tàn bạo, tính khí thất thường, giết hại nhiều người. Trong khi đó trong nước lại xảy ra mất mùa mấy năm liền[10].

Thái tử Thạch Thuý thấy cha hung ác, muốn giết đi để thay ngôi, nhưng việc bị phát giác nên Thuý bị giết. Hổ dùng hai con là Thạch Tuyên và Thạch Thao làm phụ chính coi việc triều đình.

Chiến tranh với Yên, Tấn

Với tham vọng xâm lược các nước khác, Thạch Hổ xây dựng quân đội lên tới 50 vạn người, trong đó 17 vạn người làm công việc chế tạo tàu thuyền, liên tục cho quân đội tiến hành chiến tranh với Đông Tấn, Tiền Lương, Tiền Yên, bắt hàng vạn nông dân đi lính phải tự mang lương thảo, bò xe, bá tánh bị áp bức chết nhiều vô số. Nhiều vùng đất canh tác bị biến thành nơi săn bắn, làm cho sản xuất nông nghiệp bị phá hoại.

Năm 337, thủ lĩnh người Tiên Ty ở Liêu Đông là Mộ Dung Quan xưng vương, lập ra nước Tiền Yên. Năm 338, Thạch Hổ hợp binh với Tiền Yên đánh họ Đoàn ở đất Tô[11]. Quân Hậu Triệu chiếm được Tô thành, họ Đoàn bỏ chạy. Mộ Dung Quan lui quân. Thạch Hổ trách Tiền Yên không đến hội quân mà tự ý rút lui nên mang quân đi đánh.

Đến tháng 5 năm 338, quân Hậu Triệu hạ được 36 ấp, bao vây Cức Thành. Đánh thành hơn 10 hôm không hạ được, quân Triệu mệt mỏi. Quân Tiền Yên thừa cơ phản công, vây giết hơn 3 vạn quân Hậu Triệu.

Năm 340, Thạch Hổ huy động 50 vạn quân, 4 vạn con ngựa để chuẩn bị đi đánh Yên báo thù. Dân trong nước Hậu Triệu oán thán ngút trời. Mộ Dung Quan không đợi Hậu Triệu động binh xong, mang quân bất ngờ từ ải Ế Ông[12] tiến vào bình nguyên đánh xuống Cao Dương[13]. Quân Yên đốt phá, cướp bóc lương thảo và quân nhu của Triệu rất nhiều. Tướng Triệu giữ Tô Thành là Thạch Quang cố thủ không dám ra đánh. Nhiều kho tàng của Hậu Triệu bị đốt phá, việc phát động chiến tranh lớn của Thạch Hổ không thành.

Nhưng Thạch Hổ vẫn không chịu ngưng chiến, lại muốn động binh đánh cả Yên và Đông Tấn. Ngoài ra, việc xây cất 40 đài quán ở Nghiệp Thành vẫn không ngưng nghỉ, vì thế dân trung nguyên vô cùng cực khổ, nhiều người tự tử trên cây ven đường[14].

Năm 344, Thạch Hổ trưng tập 100 vạn quân định đánh diệt Đông Tấn. Tuy Hổ sau đó nghe lời can gián bèn thôi khởi đại quân nhưng vẫn tiến hành chiến tranh quy mô nhỏ xâm lấn đất đai của Đông Tấn. Tuy nhiên quân Triệu chỉ hạ được Chu Thành[15], ngoài ra không thu được thắng lợi nào khác.

Phía tây, tướng Triệu là Ma Thu đi đánh Tiền Lương, cũng bị quân Tiền Lương do Tạ Nghĩa chỉ huy đánh lui.